Trận đánh Trận_Austerlitz

Bắt đầu trận chiến

Binh sĩ Pháp biết rằng ngày 2 tháng 12, lúc họ phải đánh một trận quyết định, cũng chính là lễ kỷ niệm ngày đăng quang vị hoàng đế. Không những ông khám xét địa hình thật kỹ lưỡng, mà còn chuẩn bị chu đáo cho việc chăm lo các thương binh.

Trận Austerlitz, ngày 2 tháng 12 năm 1805, qua nét vẽ của Joseph Swebach-Desfontaines.

Vào 5 giờ sáng lúc mặt trời còn chưa mọc lên, Napoléon đã thức dậy và ăn sáng gấp rút. Trong lúc Hoàng đế và ba quân đang ăn bữa điểm tâm, khoảng 3 nghìn quân tiếp viện của Davout đã kéo tới sau cuộc hành binh từ Raisgern, binh lính của Davout đều đã buồn ngủ và bị lạnh. Họ được đội Kỵ binh của Soult yểm trợ. (Sẽ còn có thêm quân của Davout kéo đến giữa 10 giờ và 11 giờ). Một điều mà người ta thường quên lãng là Sư đoàn của Thiếu tướng Louis Friant với tốc độ hành quân của mình đã lập công rất lớn cho cuộc hành binh thần tốc của Davout.[57] Tới lúc 6 giờ sáng, khi ánh mặt trời đầu tiên bắt đầu lóe lên tại bầu trời hướng Đông, ban Tham mưu và các vị Thống chế của Napoléon họp bàn trên đồi Zulton. Nhưng khi buổi sáng tinh mơ đã gần đến thì sương mù xuất hiện dày đặc khắp làng bản. Hoàng đế nước Pháp, vốn đã lên lưng chiến mã với thái độ bất kiên nhẫn, mong chờ rạng Đông. Ông nhìn qua bóng tối trước rạng Đông, vào các sĩ quan dưới quyền như Louis Alexandre Berthier, Lannes, Soult, Bernadotte, Jean-Baptiste Bessières, Murat, Mortier và Anne Jean Marie René Savary, cùng với những viên sĩ quan khác của ban Tham mưu của ông. Ông lại hướng về phía Đông, mong muốn nhìn thấy Mặt Trời mọc lên, thế nhưng lại không nhìn thấy gì.[58]

Cuộc tấn công của kỵ binh Pháp vào quân Nga trong trận Austerlitz. Ta có thể thấy nhiều kỵ binh Mamluk cũng như thiết kỵ binh Pháp

Trận chiến này bắt đầu vào lúc 8 giờ sáng, với mũi tấn công đầu tiên của liên quân đánh vào làng Telnitz, được phòng thủ bởi trung đoàn số 3. Từ đó, vùng chiến trường này đã chứng kiến nhiều cuộc chiến đấu ác liệt. Đầu tiên, các đợt xung kích của liên quân đã đánh bật quân Pháp khỏi làng và buộc họ phải rút về bên kia sông Goldbach. Quân của Davout lúc này đẩy lui liên quân khỏi Telnitz, trước khi tới lượt họ bị những người lính khinh kỵ binh tấn công và phải bỏ làng một lần nữa. Những đợt tấn công của liên quân ra khỏi làng đều bị pháo binh của Pháp ngăn cản.[59] Các đội quân của liên quân bắt đầu đổ vào cánh phải của Pháp, nhưng không tiến nhanh như mong đợi, vì vậy mà người Pháp hầu như đều đẩy lui được các đợt tấn công. Thực ra thì sự bố trí của liên quân có sự nhầm lẫn và tính toán thời gian sai: đội Kỵ binh của Vương công Johann I Joseph xứ Liechtenstein ở cánh trái của liên quân phải chuyển sang cánh phải, và trong quá trình đó họ chạy lẫn vào và làm chậm tiến độ tiến quân của mũi tấn công thứ hai vào cánh phải của Pháp.[52] Lúc đó các chiến lược gia tưởng rằng đó là một thảm họa, nhưng về sau việc này lại hóa ra có lợi cho liên quân.

Mũi tấn công thứ hai của liên quân đánh vào làng Sokolnitz, nơi được bảo vệ bởi trung đoàn 26 và đội quân Tirailleur (đội bắn súng đánh kiểu du kích) của Pháp. Liên quân tấn công không thành, vì vậy mà tướng Langeron ra lệnh pháo kích vào làng. Việc này đã khiến quân Pháp phải rút lui, và trong cùng lúc đó thì mũi tấn công thứ ba của liên quân đánh chiếm lâu đài ở Sokolnitz. Quân Pháp phản công và chiếm lại nơi đây, nhưng lại bị đẩy lui. Giao tranh ở đây tạm lắng xuống khi quân của tướng Friant thuộc quân đoàn 3 của Pháp tạm chiếm lại ngôi làng. Bốn con chiến mã của tướng Friant bị bắn chết trong cuộc huyết chiến, nhưng ông thì sống sót để kể lại.[60] Sokolnitz có lẽ là nơi diễn ra nhiều cuộc đụng độ nhất và còn đổi chủ vài lần nữa khi cuộc chiến tiếp diễn.[61] Quân đoàn của Friant bị tổn thất nặng nề.[60] Thế nhưng, quân Pháp vẫn kiên quyết chiến đấu với quân đội Nga - Áo.[26]

Trong khi liên quân đang háo hức đánh vào cánh phải của quân Pháp thì Binh đoàn số 4 của liên quân - do vị Tư lệnh vừa bị truất quyền M. I. Kutuzov đã dừng chân tại cao điểm Pratzen. Các quân đoàn Nga lần lượt vượt qua ông, nhưng Quân đoàn số 4 vẫn đứng im tại đó. Kutuzov cảm nhận được tầm quan trọng của cao điểm này. Tuy nhiên, Nga hoàng ra lệnh đưa Quân đoàn số 4 ra khỏi Pratzen và cùng với nó, đưa toàn bộ quân Nga đến chỗ chết.[30] Dù Kutuzov là Tổng tư lệnh trên danh nghĩa, ngay từ khi Weyrother vạch ra kế hoạch thì Aleksandr I vẫn luôn nhấn mạnh rằng ông không phải là Tổng tư lệnh thực thụ. Nga hoàng luôn đặt lòng tin vào Weyrother thay vì Kutuzov. Do đó, Kutuzov không phải tốn sức phản đối hành vi của Aleksandr I dẫn tới thất bại khó lường.[62]

"Một đòn chí mạng và trận chiến chấm dứt"

Đòn tấn công quyết định của quân Pháp vào khu vực trung tâm của liên quân. Các tướng St. Hilaire và Vandamme đã cắt đôi binh lực địch và chiếm được vị trí quan trọng về chiến lược cho Pháp.

Cuộc chiến đấu của đội hữu quân Pháp đã thắng lợi, do viên chỉ huy liên quân bị say nắng và không thể phát lệnh được nữa.[26] Tuy nhiên quân Nga cũng đã chiến đấu ngoan cường, nên quân Pháp vẫn không thể nắm chắc chiến thắng.[38] Đội quân của Thống chế Jean-de-Dieu Soult tuy đã được sương mù che khuất, nhưng cao điểm Pratzen dễ bị tiến công, do lúc này, có thể quân Liên minh đang tiến xuống từ phía nam. Điều này là đúng như dự kiến của Napoléon I, thể hiện qua câu nói của ông: "Xem chúng tiến công, một khi chúng tự coi mình là những kẻ tiến công, chúng sẽ phải ngước lên mà thấy chúng đã phần nào bại trận".[31] Do đó, Soult nôn nóng và ông mong muốn tấn công. Để vậy, ông cần phải có thời gian vận động các binh sĩ.[63] Vào lúc 8 giờ 45 phút sáng, cảm thấy sự suy yếu ở trung tâm quân địch đã đủ, Napoléon I hỏi Soult rằng quân của ông mất bao lâu để tới cao điểm Pratzen, và vị Thống chế này trả lời: "Dưới 20 phút, muôn tâu Thánh thượng, do lực lượng của Hạ thần đã được che khuất dưới chân thung lũng, được sương mù và đốm lửa ở doanh trại che khuất". Vị Hoàng đế bèn phán quyết: "Vậy chúng ta sẽ đợt thêm 15 phút nữa".[64] Qua vậy, khoảng 15 phút sau, Hoàng đế Napoléon ra lệnh tấn công: "Bây giờ, đây là chính là khoảng khắc". Và, ông còn nói thêm rằng: "Hỡi ba quân ! Bọn địch không cẩn trọng đã tạo cho các Người giáng những đòn quyết định ! Một đòn chí mạng và trận chiến chấm dứt:.[65]

Sương mù dày giúp che chở bước tiến của sư đoàn của St. Hilaire, nhưng khi họ đi ngược lên dốc, "Mặt trời Austerlitz" huyền thoại đã làm tan sương và cổ vũ họ tiến lên.[52] Quân Nga trên đỉnh cao điểm choáng váng khi thấy có nhiều quân Pháp đang tiến đánh họ.[64] Các chỉ huy liên quân điều một số đơn vị chậm trễ của mũi tấn công thứ tư vào cuộc giao chiến khó khăn này. Sau gần một giờ giao chiến, các đơn vị này phần lớn bị tiêu diệt, nhưng quân Pháp vẫn không dễ gì tràn ngập được cao điểm Pratzen.[66] Một số binh sĩ từ mũi tấn công thứ hai, chủ yếu là các binh sĩ Áo thiếu kinh nghiệm, cũng đã tham chiến và dùng số lượng đông đảo chống trả một trong những đơn vị thiện chiến nhất của Pháp. Họ thậm chí đã đẩy lui quân Pháp xuống dốc. Trong hơn 20 phút, tình hình trở nên hỗn loạn, Kutuzov thực chất giờ chỉ huy Đội hình thứ tư của quân Liên minh. Trong cuộc quyết chiến, ông và các tùy tùng, cùng với Bộ Tham mưu do Weyrother đứng đầu dong ngựa đến binh lính, và khuyến khích, kêu gọi cùng nhau chiến đấu. Trong phần lớn chiều dài cuộc chiến đấu, các vị Hoàng đế hai bên đều quan sát cảnh hai bên lao vào đánh nhau kịch liệt. Khi quân Liên minh có dấu hiệu nhốn nháo, Nga hoàng Aleksandr I gào thét lên: "Trẫm ở bên các Người, Trẫm cùng san sẻ hiểm nguy với các Người, dừng lại ngay".[67]

Quân kỵ binh Cận vệ Nga giành được hiệu kỳ của quân Pháp. Quân Pháp chỉ mất duy nhất một hiệu kỳ trong khi quân Nga bị đánh tan tác trong trận Austerlitz

Nhưng binh lính Liên minh vẫn chiến đấu dũng mãnh. Trong trận chiến Kutuzov bị thương nặng và suýt bị bắt sống,[30] máu chảy tràn lan ở mặt ông. Người con rể của ông là viên sĩ quan phụ tá Ferdinand von Tiesenhausen quyết tâm chỉnh đốn lại hàng ngũ quân sĩ, nhưng bị giết chết ngay khi đang cầm cờ xông tới.[30] Về phía quân Pháp, St. Hilaire phải chạy tới chỗ Morand và Thiébault để hỏi ý xem có nên triệt binh khỏi cao điểm Pratzen hay không? Ông nói: "Xem ra không thể giữ được,... chúng ta nên chiếm cứ một vị trí ở phía sau để mà dễ dàng phòng vệ".[67] Thế nhưng, ở vào hoàn cảnh khó khăn, quân của St. Hilaire đã xung kích một lần nữa và lần này đã đánh bật liên quân khỏi cao điểm. Ở phía bắc điểm giao chiến này, sư đoàn của tướng Vandamme tấn công vùng Staré Vinohrady và diệt một số đơn vị địch.[68]

Trận chiến đã xoay chuyển về hướng có lợi hẳn cho Pháp, nhưng vẫn chưa thể kết thúc sớm. Napoléon lệnh cho quân đoàn I của Bernadotte sang hỗ trợ cánh trái của Vandamme và di chuyển trung tâm chỉ huy của mình lên cao điểm Pratzen vừa mới chiếm được. Chiếm được cao điểm nghĩa là quân Pháp đã cắt được các tuyến quân của Đồng minh Nga - Áo. Liên quân lúc này đã ở vào tình thế bất lợi nên họ phải sử dụng tới lực lượng Cận vệ Hoàng gia Nga. Quân Cận vệ Hoàng gia Nga là đội quân cuối cùng của quân Liên minh được tung ra chiến trường.[69] Đại Công tước Konstantin Pavlovich, em trai Nga hoàng, chỉ huy lực lượng này tiến đánh quân của Vandamme. Tổn thất duy nhất về cờ hiệu của quân Pháp là trong trận giao tranh này. Sư đoàn do Vandamme chỉ huy đã bị đại bại. Cảm thấy mối đe dọa, Napoléon lệnh cho đội Kỵ binh Cận vệ của ông do Thống chế Bessières chỉ huy xuất chiến. Chuẩn tướng Jean Rapp cũng giành lấy thế chủ động và tấn công quân Nga.[43] Theo lời kể của chính ông:

Có lúc, tiếng hỏa mai nổ vang trời, quân Nga đánh bật một Lữ đoàn của quân ta. Khi ấy, tôi đang hầu cận Hoàng đế, chờ thượng lệnh. Nghe tiếng đạn, Hoàng đế sai tôi tung các chiến binh Mamluk, hai Sư đoàn Khinh binh, một tốp lính ném lựu đạn của Đội Cận Vệ, và quan sát tình hình. Tôi liền phi nước đại thẳng tiến trước một phát đạt thần công và giáp mặt với thảm kịch. Quân Kỵ binh Nga đã thọc sâu vào các Sư đoàn của quân ta, và đang tuốt gươm tàn sát quân ta. Từ đằng xa, tôi có thể trông đấy hàng loạt lính bộ binh và kỵ binh dự bị của Nga. Trong lúc đó, quân thù tiến bước, bốn cỗ pháo được kéo đến tức tốc, và vào vị trí chuẩn bị nhằm bắn quân ta. Bên trái tôi là Morland quả cảm, còn bên phải tôi là Tướng d'Allmagne...
— Jean Rapp[38]

Quân Pháp xung phong quét sạch các cỗ pháo Nga.[38] Hai đội Cận vệ đánh nhau dữ dội nhưng không bên nào giành được thắng lợi. Quân Nga chiếm ưu thế về số lượng, nhưng rồi sư đoàn của Drouet thuộc quân đoàn I tới trợ chiến, dàn quân bên sườn của nơi giao tranh và giúp kỵ binh Pháp tập hợp lại đội ngũ sau lưng họ. Những khẩu đại bác do ngựa kéo của Pháp cũng góp phần gây thương vong nặng nề cho kỵ binh và lính bắn súng Nga. Trong trận giao chiến, viên sĩ quan Pháp Morland đã hy sinh, nhưng rồi quân Nga thua lớn,[38] tan vỡ và nhiều binh sĩ tử trận khi bị kỵ binh Pháp, giờ đây đã khôi phục lại đội ngũ, truy kích trong suốt một phần tư dặm.[70] Tuy dũng cảm nhưng Konstantin Pavlovich đã thất bại và còn hao binh tổn tướng thêm.[42] Quân của Soult, cùng với đội kỵ binh cận vệ và pháo binh, trở thành lực lượng quyết định, đánh bại quân Nga.[43] Ngoài ra, các chiến binh Mamluk của Napoléon I cũng đóng góp không nhỏ cho chiến thắng toàn diện của quân Pháp trước đội Kỵ binh Cận vệ Nga. Quân lính Mamluk thể hiện sức chiến đấu đầy ấn tượng.[71] Theo lời kể của Rapp, quân Nga thảm bại tơi bời trước mắt của cả hai vị Hoàng đế Áo và Nga. Hai Hoàng đế vốn đã chiếm cứ một khu đất cao trên chiến địa để theo dõi trận chiến. Họ đã nhìn thấy các chiến binh của họ chiến đấu thật dũng cảm, nhưng cuối cùng lại thảm bại.[38] Nhiều Sư đoàn của liên quân Nga - Áo trong cơn hoảng loạn còn phải vứt bỏ vũ khí mà chạy.

Tàn cuộc

Tôi đang... nằm dưới làn đạn dồn dập và ác liệt... Nhiều sĩ tốt, vốn đã không ngừng tham chiến từ lúc 7 giờ sáng cho đến 4 giờ chiều, không còn đạn dược nữa. Tôi không biết làm gì nữa ngoài việc rút lui...
— Trung tướng Przhebishevsky[72]
Lúc này liên quân đã bị chia cắt nhiều. Napoléon cho đánh vào cánh trái để kết thúc trận chiến.

Ở mặt trận phía bắc, sau khi đã kéo đến vị trí đúng đắn trên trận tiền, lực lượng thiết kỵ Áo của Vương công Johann I Joseph xứ Liechtenstein tấn công đội khinh kỵ binh của tướng Kellerman bên phía Pháp. Khi nhận thấy quân Nga quá đông, Kellerman cho quân rút về phía sau sư đoàn bộ binh của Caffarelli. Quân của Caffarelli chặn đứng các cuộc công kích của quân Nga và gọi Murat tăng viện thêm 2 sư đoàn thiết kỵ nữa (1 sư đoàn dưới quyền của d'Hautpoul và sư đoàn kia thì do Nansouty chỉ huy) vào trận nhằm sớm tiêu diệt lực lượng kỵ binh Nga. Cuộc giao tranh diễn ra khốc liệt và kéo dài, nhưng cuối cùng quân Pháp đã thắng thế. Tướng Lannes sau đó dẫn quân đoàn V của ông tiến đánh quân Nga của tướng Bagration - người có lợi thế pháo binh so với Lannes, quân sĩ của Lannes quyết tâm phải chiến đấu tới cùng vì hàng loạt đạn pháo Nga.[60] Sau một trận giao tranh kịch liệt thì quân bị đánh lui khỏi bãi chiến trường. Thống chế Louis-Gabriel Suchet, cũng góp công phá tan quân Nga.[73] Lannes muốn truy kích, tuy nhiên, Murat là chỉ huy quân Pháp ở mặt trận này, không tán thành.[74] bởi lẽ, Murat cho rằng việc truy đuổi quân Nga khá khó khăn.[75]

Lúc này Napoléon chuyển sự chú ý sang phía nam, nơi mà quân Pháp và liên quân vẫn đang giằng co ở Sokolnitz và Telnitz. Với một đòn tấn công 2 mũi nhọn, sư đoàn của St. Hilaire và một phần quân đoàn III của Davout đã đập tan quân địch ở Sokolnitz và buộc hai tướng chỉ huy 2 mũi tấn công đầu tiên của liên quân là Kienmayer và Langeron phải tháo chạy. Buxhöwden, vị tướng tổng chỉ huy cánh trái của liên quân cũng phải rút chạy, với Kienmayer bọc hậu cho ông, cùng với lực lượng khinh kỵ binh O'Reil. Quân khinh kỵ của O'Reil đánh bại 5 trên 6 trung đoàn kỵ binh Pháp, trước khi buộc phải rút lui.[74]

Lúc này liên quân đã bị chia thành ba,[26] hoàn toàn rơi vào hoảng loạn và tháo chạy tứ tán. Giữa ngày, tuyết rơi xuống.[42] Một tình tiết đáng sợ và nổi tiếng đã diễn ra trong lúc này khi một số lực lượng quân Nga bị cánh phải quân Pháp đánh bại cố tháo chạy về phía nam ngang qua hồ Satschan đóng băng. Lực lượng Pháo binh Pháp nã súng vào họ, và lớp băng vì thế vỡ ra. Quân Nga chết đuối dưới hồ nước lạnh cóng và hàng chục khẩu pháo của họ cũng chìm theo. Con số các khẩu pháo bị quân Pháp tịch thu trong sự kiện này dao động khá lớn tùy nguồn, có thể từ 38 đến hơn 100. Số quân Nga chết trong hồ cũng không được xác định rõ, có thể từ 200 đến 2.000. Một tư liệu kể rằng 22 nghìn quân Nga đã bị chết đuối sau khi Napoléon I đánh bại liên quân Áo - Nga.[76] Napoléon rất có thể đã phóng đại con số này lên (qua "Thông cáo thứ 30" nổi tiếng của ông nhằm mục đích tuyên truyền[77]), còn Nga hoàng Aleksandr I cũng có động cơ để chấp nhận con số phóng đại này,[Ghi chú 4] những con số thấp có vẻ như chính xác hơn. nhiều nguồn nói rằng đã có nhiều quân Nga dưới hồ được cứu sống chính bởi địch quân,[1][78] và khi hồ được rút cạn mấy ngày sau đó (khoảng ngày 6 tháng 12, khi cư dân ở đây được lệnh kéo hết xác ngựa lên[77]) thì chỉ có xác của hai hoặc ba người và từ 130 cho đến 150 con ngựa, còn những con số do phía Pháp ghi nhận là do họ tự nghĩ ra.[79]

Thực chất, báo cáo về tổn thất của tướng Kutuzov sau chiến bại này cho thấy chỉ có một ít binh sĩ Nga bị rơi xuống hồ.[66] Theo Bá tước Comeau - có độ tin cậy cao vì đã quan sát tình hình, thực chất các chiến binh Nga đã bám lấy các bờ hồ, và "ngay cả nếu một vài Trung đội có chìm xuống nước, nó cũng không có đủ sâu để mà làm cho họ bị chết đuối".[80] Điều quan trọng là đợt công pháo này khiến nhiều binh lính Liên minh bị rơi vào cái bẫy của quân Pháp, và dù sao đi chăng nữa thì quân Nga đã mất phần lớn binh lực và đại bác của mình.[4] Tàn quân Nga tháo chạy trong hỗn loạn đến mức mà quân Pháp không biết lần theo đâu để mà truy đuổi.[75] Trong toàn bộ liên quân, chỉ có mỗi lực lượng kỵ binh Nga của tướng Pyotr Ivanovich Bagration, cùng với tướng Dokhturov và Đại Công tước Konstantin là rút lui có trật tự, và không bị thiệt hại đáng kể.[42][66] Quân Pháp do đã quá mệt mỏi nên không thể truy kích Bagration, và trong vòng 40 tiếng đồng hồ, ông đã rút được khoảng cách chừng 60 cây số.[1]

Một khi quân Liên minh Nga - Áo bị đẩy vào nội thành Austerlitz, Napoléon I đã chiếm giữ tất cả các ngả đường sá tới vùng Olmütz. Sau đại thắng của ông, một cơn mưa tuyết đổ xuống khiến cho người Pháp không thể nào truy kích thêm. Lúc này là 4 giờ chiều và trời đã tối, tiếng súng đã ngưng hoàn toàn.[80] Napoléon ngắm nhìn những tàn binh cuối cùng của quân Liên minh trong tình cảnh bi đát của họ. Cùng với Berthier và Soult, vị Hoàng đế chiến thắng nhìn tổng quan cả ngôi làng Augezd, sau đó ông thúc ngựa tiến dần xuống chân cao điểm Pratzen và hướng về cái hồ Satschan bị đóng băng, theo hướng tiếng đạn pháo nổ vang trời và tiến vào hàng ngũ các chiến binh thắng trận của mình.[80] Theo mệnh lệnh của Hoàng đế, không một binh sĩ Pháp nào dám rời khỏi hàng ngũ để mà trốn tránh chăm sóc thương binh. Bản thân Napoléon I không bao giờ rút về nghỉ ngơi một khi các binh sĩ chưa thấy rõ ràng ông vẫn còn khỏe khoắn. Trong khi ấy, một cơn gió lạnh thổi mạnh vào những cái sậy phủ tuyết bên đầm lầy Golbach, mang theo tiếng kêu rên của các binh sĩ Pháp đang hấp hối và tiếng reo hò của đại quân Pháp quanh Napoléon I đến tai các thương binh Nga - Áo cùng với các binh sĩ Nga - Áo đang chạy tháo thân.[47]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Trận_Austerlitz http://www.austerlitz2005.com/en/interests/legends http://books.google.com/books?id=KlNEAAAAIAAJ&prin... http://www.imdb.com/title/tt0053638/ http://www.vialupo.com/austerlitz http://www.virtualczech.cz/kraj-/927-bitva-u-slavk... http://www.zamky-hrady.cz/1/slavkov-d.htm http://www.zamky-hrady.cz/1/slavkov-e.htm http://books.google.de/books?id=-PUsAAAAYAAJ&dq=Hi... http://books.google.de/books?id=AnsOAAAAQAAJ&dq=Th... http://books.google.de/books?id=AoSYm1VAdJcC&dq=M....